Vượt qua những trầm lắng, đảo chiều liên tục của thị trường năm 2023, bước sang năm 2024, các chuyên gia dự báo, nhu cầu thép sẽ dần được cải thiện nhờ tác động của các chính sách vĩ mô và chuyển động tích cực của nền kinh tế.
Trải qua năm 2022 đầy khó khăn, trong quý I/2023, ngành thép đã có những tín hiệu phục hồi khi giá thép liên tiếp điều chỉnh tăng 6 lần, kéo mức giá phổ biến lên gần 18 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, bước vào quý II (ngày 7-8/4), giá thép xây dựng bắt đầu đảo chiều giảm 19 lần liên tiếp. Chu kỳ giảm kéo dài tới tận đầu tháng 9/2023, giá thép thời điểm này xuống mức phổ biến còn hơn 13 triệu đồng/tấn, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước thời điểm này liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm, đầu tư công chưa thực sự khởi sắc. Ngoài ra, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm giá liên tục để giải phóng lượng hàng tồn kho, nhất là giai đoạn mùa mưa – mùa thấp điểm về xây dựng, nên sức tiêu thụ thép càng giảm sút.
Kể từ phiên giảm giá lần thứ 19 – tháng 9/2023, thép nội địa đã có khoảng thời gian hơn 2 tháng không biến động; đến cuối tháng 11 bắt đầu đảo chiều tăng 4 lần liên tiếp. Kéo giá thép từ mức phổ biến hơn 13 triệu đồng/tấn lên mức phổ biến 14,7 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, mặt bằng chung của giá thép thời điểm này cũng chỉ ngang mức tháng 7/2023 và tương đương tháng 8/2022, vẫn nằm trong vùng giá thấp nhất 3 năm gần đây.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm giá liên tục để giải phóng lượng hàng tồn kho, nhất là giai đoạn mùa mưa – mùa thấp điểm về xây dựng, nên sức tiêu thụ thép càng giảm sút.
Nhìn nhận từ góc độ sản xuất, sự tăng giá của thép khoảng thời gian này chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào gồm than cốc và quặng sắt đang trong xu hướng tăng trở lại; bên cạnh đó, giá điện tăng khiến chi phí sản xuất của ngành thép phải tăng theo.
Nói cách khác, ngành thép năm 2023 dù bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng động lực cho giá thép hầu như chỉ đến từ việc chi phí sản xuất tăng. Ngành BĐS và xây dựng dân dụng vẫn cho thấy nhu cầu yếu, trong khi các dự án hạ tầng đang triển khai chưa thúc đẩy nhu cầu thép một cách rõ rệt. Sự phục hồi của ngành thép có thể mang tính dài hạn hơn, khi các nút thắt của ngành BĐS cần nhiều thời gian hơn để tháo gỡ.
Kết thúc năm 2023, giá thép có tổng 29 đợt điều chỉnh tăng chính thức, với 19 đợt giảm và 10 đợt tăng. Cho thấy xu hướng giảm giá là chủ đạo và giảm trung bình từ 9,6-10,4% so với năm 2022.
Tuy giá thép đang ở vùng giá thấp nhưng giới phân tích nhận định, giá thép có xu hướng ấm dần lên khi trong thời điểm cuối năm và đầu năm mới các doanh nghiệp thép liên tục tăng giá bán và sản lượng tiêu thụ cũng được cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp thép cũng bắt đầu chuyển lỗ thành lãi. Bên cạnh đó, với hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cho thị trường BĐS đã được ban hành sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS, tạo cơ hội khôi phục nhu cầu tiêu thụ thép từ năm 2024.
Thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang kỳ vọng dần được tháo gỡ trong năm 2024 bởi tác động từ những chính sách mới.
Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2023, dù có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, nhưng với những điểm mới, quy định mới có lợi cho người dân, những tác động được kỳ vọng sẽ đến sớm hơn tới thị trường BĐS và nhà ở.
Nhìn chung, năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Xung đột quân sự Nga – Ucraina vẫn tiếp diễn cùng với bất ổn gia tăng tại Trung Đông. Nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm trong khi thị trường tài chính tiền tệ, BĐS tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở các quốc gia làm cho sản xuất và tiêu dùng mất cân đối.
Dự báo tiêu thụ thép có thể tăng 7% trong năm 2024
Tại Việt Nam, ngành VLXD nói chung, ngành thép nói riêng đã phải trải qua những chu kỳ tăng giảm đầy biến động và thách thức do chịu tác động trực tiếp từ những nguyên nhân trên.
Thị trường thép có thể đảo chiều từ quý III/2024 và khởi sắc từ quý II/2025, sau khi các Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực và đi vào cuộc sống.
Mặc dù khó khăn còn ở phía trước, nhưng triển vọng lạc quan vẫn khá rõ với ngành thép khi danh sách các dự án mới sẽ triển khai trong năm 2024 đang ngày một nối dài thêm sau những động thái tích cực và hiệu quả của Chính phủ.